Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi
Bài viết: Tự Do Lắng Nghe
Tự Do Lắng Nghe

Ngày nay trên thế giới, mỗi con người dù thuộc nền văn hoá nào, nhu cầu thiết lập, hít thở không khí tự do vô cùng quan yếu. Nhưng, tự do không thể tồn tại mà không có bóng dáng của kỷ luật!

Hôm nay đất trời trong xanh, gió dịu mát, chim hót líu lo, như tung tăng đón chào tình thương và hạnh phúc. Con chấp tay nguyện cầu cho tất cả mọi người, có được đời sống an vui và tận hưởng những buổi sáng an bình như thế!

Trong phòng nhìn ra, bầu trời xanh trong vắt, ánh nắng rạng rỡ huy hoàng, đất đá đang reo vui, tưới tẩm nguồn chân phúc bất tận vào dòng đời vô tận.

Cầu mong trên trần gian này, ai cũng biết lắng nghe những tiếng nhiệm mầu, xuất phát từ chân tâm mầu nhiệm, từ thiên nhiên tuyệt vời, từ vũ trụ bao la và từ sơn hà diễm lệ.

Tất cả những thứ quý báu này, là quà mọn của tạo vật trao tặng, là bàn tay thương yêu, là lòng từ bi vô lượng của các đấng đại từ!

Ô hay, con người có khả năng lắng nghe tuyệt vời đến thế! Nghe hết thảy, nghe rõ ràng những tiếng kêu, những giọng hót của các loài chim muông. Nghe kỹ lưỡng từng giọng điệu bổng trầm, từng âm thanh lên xuống của con người. Lắng nghe đã trở thành một trong những phương cách tu tập tuyệt vời, là một trong những phương châm sống đạo tốt nhất.

Nhưng, trước khi bắt đầu lắng nghe, tâm hồn chúng ta phải thật sự tĩnh giác. Nếu trái tim đang lắng nghe, đang chiêm nghiệm chân lý cuộc đời, mà nghĩ ngợi điều gì khác, thì chúng ta sẽ không thể nghe tiếng chim đang hót líu lo, một cách hồn nhiên, vô tư và trọn vẹn.

Mỗi buổi sáng, xin hãy lắng nghe những tiếng động bên ngoài và bên trong tâm thức. Nhưng, đừng sanh ý niệm ép buộc phải đồng ý hay không đồng ý. Tuyệt đối không nên phân tích, suy luận, suy đoán về những gì đang nghe. Hãy để tâm thức tự do lắng nghe hoàn toàn!

Nếu chỉ có lắng nghe và quan sát một cách trầm lắng, với tâm hồn tĩnh mịch, giống đức Thế tôn năm xưa, thì chẳng có gì để lý giải hay phân định. Nhưng, khi hình thức tôn giáo, hình thức tổ chức xuất hiện trong tâm tưởng, thì dù sống trong thời đại nào, vẫn phải tuân theo kỷ luật để tồn tại và phát triển. Do vậy, để tồn tại và phát triển, vấn đề tự do và kỷ luật phải gắn liền với nhau. Nếu không có kỷ luật, tự do không thể có và ngược lại. Hai vấn đề này, trong một tổ chức dầu nhỏ hay lớn, cũng bất phân ly.

Khi sinh hoạt trong một tổ chức, hãy tỏ ra thái độ lịch sự, bằng cách quan tâm đến người khác, thông qua việc tự vâng giữ kỷ luật. Người có chánh niệm tĩnh giác, chính là người tự khép mình trong kỷ luật và có lòng tôn trọng tha nhân. Đừng nghĩ khép mình trong khuôn khổ, trong nội quy là mất tự do, là không giải thoát. Mà ngược lại, nơi nào có kỷ luật, nơi đó có giải thoát hiện bày!

Trong một tổ chức, dù là tổ chức tôn giáo hay không tôn giáo, ở vào bất kỳ vị trí nào, nếu chỉ biết la hét, bình phẩm, đánh giá, phán đoán người khác, thì mọi sự vụng về, đổ vỡ có thể bất đầu phát sinh. Đó chính là thái độ nói về người khác, chứ hoàn toàn không phải nói với người khác! Nếu chỉ biết hành xử như vậy, chính chúng ta là người không có khả năng lắng nghe tâm sự của người khác để biết họ nói gì, muốn gì.

Hãy mở trái tim yêu thương, hãy mở cửa lắng nghe một cách thành khẩn, thì tĩnh tại khinh an sẽ có mặt. Đồng thời, chúng ta ngồi yên lặng, chú tâm lắng nghe nỗi khổ niềm đau của tha nhân. Không thể có trật tự nếu không có tự do quan sát, lắng nghe những hành vi của chính mình.

Vì vậy, kỷ luật và tự do là hai trong những vấn đề quan trọng, khẩn thiết trong bất cứ tổ chức, đoàn thể nào. Nếu không thực sự tự do, con người khó có cơ may phát triển toàn diện. Tương tự như hạt giống không được tự do nẩy nở, đâm chồi trên mặt đất, nó sẽ phát triển èo uột trên nền đá xi-măng, hoặc không thể sống còn!

Nếu chim muông không được tự do, chúng không thể bay đi được. Đại địa sơn hà, cỏ cây hoa lá, đều cần có không khí để thở, cần có không gian để sống.

Mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời đều tự do sinh tồn, trong đó gồm thông cả con người. Nhưng, con người lại hoảng sợ không muốn tự do. Chim muông, sông ngòi, cỏ cây, hoa lá đều có khuynh hướng vươn tới phương trời tự do. Do vậy, nhằm thiết lập trật tự ổn định, nhằm nâng cao đời sống con người, trong bất cứ môi trường, hoàn cảnh nào, phải tự do sinh khởi. Chẳng phải tự do nửa vời mà tự do toàn diện!

Thực sự được tự do, giải thoát khỏi sân hận, tật đố, hung hăng, bạo tàn là thứ tự do tối quan trọng đối với người biết hướng thượng, hướng đến mục đích cứu cánh của đời sống!

Trong một tổ chức hay gia đình, không thể tự do chỉ để vòi vĩnh, đòi hỏi. Chúng ta không thể nói: “Tôi sẽ làm những gì tôi thích, nhưng lại thương tổn đến người khác”. Vì cũng có người khác nói và làm tương tự như vậy. Họ cũng muốn được tự do diễn bày những gì họ nghĩ, muốn làm những gì họ mong ước, bất chấp hành động đó có tác hại đến tha nhân, đến cộng đồng hay không.

Nếu mọi người đều muốn được tự do, diễn bày tính sân hận, hung tàn, tham vọng, hơn thua của họ, thì xã hội sẽ đi đến chỗ hoại diệt nhanh chóng. Chính những yếu tố này, đã đẩy đưa xã hội bất an, quan hệ con người luôn dẫy đầy mâu thuẫn. Thù hận, tranh đua, hơn thua phát sinh, lan tràn khắp nơi!

Tôi muốn làm điều đó, chị muốn làm điều đó, em muốn làm điều đó, và thế là, chúng ta đấu tranh, giành giựt phần thắng lợi, trao những khổ đau, oán hận của mình cho người khác. Tự do như thế là thứ tự do chứa đầy bản chất bất lương, phi đạo đức. Tự do như thế là con đường để đi đến tự hoại và tự diệt!

Bản chất của tự do không có nghĩa là làm gì chúng ta muốn. Bởi lẽ, con người không thể sống đơn độc, riêng lẻ được. Ngay cả tu sĩ, du hành khất thực cũng không thể tự do làm những gì vị ấy muốn. Vị ấy phải đấu tranh vượt qua những gì mình muốn. Phải hằng giờ hay thậm chí cả đời, cố gắng đấu tranh vượt thoát những thói hư tật xấu nơi bản thân mình!

Đối với vấn đề tế nhị này, con người phải hết sức thông minh mới có thể đối xử công bằng, mới có thể an vui hạnh phúc, sống trong không khí môi trường tự do trọn vẹn.

Ngày nay trên thế giới, mỗi con người dù thuộc nền văn hoá nào, nhu cầu thiết lập, hít thở không khí tự do vô cùng quan yếu. Nhưng, tự do không thể tồn tại mà không có bóng dáng của kỷ luật!

Có người cho rằng: “Có được tự do rồi, thì không cần kỷ luật”. Điều đó hoàn toàn không hợp lý!

Không thể có tự do mà không có kỷ luật. Chính tự do là kỷ luật. Hai điều này tương trợ nhau để tồn tại. Nên xem xét, quán chiếu, soi rọi lại lòng mình một cách kỹ càng. Được vậy, sự nhạy bén tâm trí, khả năng hoạt bát ứng xử và lòng từ bi vô lượng sẽ luôn có mặt để phụng hiến nhân gian, lợi lạc cho đời!

Nếu mỗi cá nhân làm những gì họ thích, nói những gì họ nghĩ, vô hình chung, chính những người này sẽ trở thành mối nguy hiểm cho xã hội! Một người thật sự tự do, không phải chỉ tự do trong tư tưởng và hành động, mà phải tự do trong nội tâm, tự do thoát khỏi tham lam, sân hận, si mê, chỉ trích, bạo tàn!

Không nên trông chờ người khác trao kỷ luật, tự do cho mình. Dù những người đó là Phật Thánh, Tiên Hiền, hay Cha- Mẹ, vợ chồng, thầy cô giáo hoặc bạn bè thân thuộc. Phải tự kiến tạo tự do, kỷ luật ngay trong thâm tâm mình. Hãy tự thực hành tự do kỷ luật ngay trong đời sống mình!

Nên có thái độ rõ ràng dứt khoát, tránh yêu cầu bất cứ điều gì nơi người khác. Phải tìm cách tạo tự do, kỷ luật nơi tự thân, bằng cách quan sát, tìm hiểu đâu là ý nghĩa của việc thiết lập đức hạnh cho bản thân mình. Bởi lẽ, người có đức hạnh luôn hàm chứa, sẵn có kỷ luật sắt đá trong tâm hồn. Phải tự thiết lập nơi bản thân mình, phương cách trở thành người tốt, người giàu lòng từ ái, tử tế với tha nhân và cuộc đời. Chính do lòng từ ái, tử tế với mọi người, chúng ta chắc chắn có được tự do và kỷ luật tuyệt đối.

Hãy ngồi yên tĩnh dưới bóng cây mát mẻ, không kinh sách, không nghe băng giảng. Chỉ cần ngắm nhìn những hàng cây xanh, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được sự vận hành của tâm thức, hiểu được ý nghĩa của tự do và kỷ luật một cách toàn triệt. Chính đây là phương tiện thù thắng, nhằm giúp ích mỗi cá nhân tiến bộ trên lộ trình trở về sống trọn với tâm linh thanh tịnh!!!

T.K Thích Thiện Hữu

Contact Information

121 Attunga St., Greenbank, Logan, Qld 4124, Australia
Phone: +61 431 456 244
E-mail: thienhuu5@gmail.com daovaodoi2015@gmail.com